Tại buổi chào xã giao, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã thông báo cho Tổng giám đốc WIPO về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, cụ thể, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong nhiều năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng khoảng 6 – 7%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ đô la Mỹ. Vì thế, Chính phủ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ rất coi trọng việc phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam và coi sở hữu trí tuệ là một công cụ để hỗ trợ phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu nhanh và bền vững. Thứ trưởng ghi nhận sự trợ giúp của WIPO dành cho hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ sau chuyến thăm chính thức của Tổng giám đốc WIPO tới Việt Nam tháng 3/2017.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc chào xã giao Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry
Tổng giám đốc WIPO đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tổng giám đốc WIPO cũng hài lòng ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp của WIPO với Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Bản quyền tác giả trong thời gian vừa qua. Tổng giám đốc cho rằng vị thế của Việt Nam tại WIPO ngày càng được nâng cao, biểu hiện qua việc Việt Nam đang giữ chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng WIPO và nhiều khía cạnh khác.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí và Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc triển khai Hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry ký Thỏa thuận hợp tác
Theo Thỏa thuận hợp tác này, WIPO sẽ cung cấp miễn phí và hỗ trợ triển khai phần mềm quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu để có thể vận hành phần mềm này. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ cung cấp một số thông tin sở hữu công nghiệp được trích xuất từ hệ thống cho WIPO khi Hệ thống đã đi vào vận hành. Dự án này dự kiến được triển khai từ năm 2018 và kết thúc vào năm 2020. Hệ thống WIPO IPAS được cho là có nhiều ưu điểm nổi trội so với hệ thống quản trị hiện đang vận hành tại Cục Sở hữu trí tuệ ví dụ như khả năng điều chỉnh linh hoạt hơn, giao diện thân thiện hơn, phù hợp với các chuẩn quốc tế và dễ dàng kết nối với các công cụ sẵn có khác của WIPO,… Việc triển khai Hệ thống WIPO IPAS tại Cục Sở hữu trí tuệ hy vọng sẽ cải thiện cơ bản tốc độ xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ; kết nối hệ thống quản trị đơn của Cục Sở hữu trí tuệ với WIPO cũng như tạo thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan sở hữu trí tuệ khác cũng như việc cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp cho công chúng./.
Phòng Hợp tác quốc tế